Tọa lạc ở vị trí độc đáo, trước mặt là ngã ba sông, sau lưng là dãy Thất sơn hùng vĩ, với địa hình núi đá nổi giữa vùng đồng bằng trù phú, liền kề hệ thống kênh rạch làm cho cảnh quan thiên nhiên của Châu Đốc thêm phần đa dạng, hữu tình.
Hôm nay Vi vu xuyên Việt xin giới thiệu cho các bạn tìm hiểu Châu Đốc có gì chơi, có gì vui qua bài viết sau nhé.
Tổng quan chung về Châu Đốc
Châu Đốc là thành phố trực thuộc tỉnh An Giang, nằm bên cạnh biên giới Việt Nam – Campuchia, vùng đất có bề dày lịch sử và nền văn hóa đa dạng. Là một điểm du lịch nổi tiếng của An Giang cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên cuộc sống nơi đây vừa có vẻ nhộn nhịp, tấp nập của những phiên chợ sung túc, đồng thời vẫn mang nét bình yên đặc trưng của miền Tây với sông nước mênh mông, đồng ruộng phì nhiêu, đất đai màu mỡ.
Thành phố Châu Đốc có dân số 119.000 người với 7 phường, xã trực thuộc. Với sự quan tâm nhiều hơn đến phát triển du lịch, thành phố Châu Đốc ngày nay đã có nhiều đổi mới, mở cửa đón khách du lịch với thái độ hiền hòa, thân thiện.
Top 10 địa điểm du lịch Châu Đốc thú vị phải ghé qua
1. Núi Sam
Núi Sam là địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua khi đến Châu Đốc. Với độ cao chỉ 241 mét, ngọn núi được bao phủ bởi canh xanh bóng mát quanh năm cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nên nhiều tiểu cảnh đẹp, hữu tình giữa vùng đồng bằng trù phú. Với vẻ đẹp hai bên triền núi đầy nên thơ, nơi đây còn có nhiều đền, chùa cổ kinh với những hang động kỳ thú đang chờ bạn khám phá.
Núi Sam
2. Miếu Bà Chúa Xứ
Nằm dưới chân núi Sam, Miếu Bà Chúa Xứ là một trong những di tích lịch sử, kiến trúc tâm linh quan trọng của tỉnh An Giang. Đây cũng là đích đến chính của các khách du lịch hành hương để cầu an, cầu may mắn cho gia đình, người thân.
Miếu Bà Chúa Xứ gắn với nhiều truyền thuyết hấp dẫn, huyền bí được lưu truyền qua nhiều thế hệ nổi tiếng linh thiêng và ứng nghiệm cầu được ước thấy.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ hàng năm (25/4 âm lịch) thu hút hàng triệu lượt khách thập phương ghé tham quan, cầu bái tạo nên mùa lễ hội nhộn nhịp, sôi động.
3. Chùa Tây An
Chùa Tây An còn được gọi là Tây An cổ tự, được xây dựng từ năm 1847 nằm dưới chân núi Sam có khuôn viên rộng lớn 15.000 m2. Đây là một công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao có sự kết hợp giữa phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam.
chùa Tây An
Lấy màu xanh của núi Sam làm nền, chùa được cất theo lối chữ “Tam”, điểm thu hút sự chú ý của ngôi chùa này là khu vực chính điện với nóc được thiết kế hình tròn củ hành, tương tự như các chùa của người Ấn.
Chùa Tây An thu hút rất nhiều du khách tham quan và cầu an cho gia đình mình.
4. Lăng Thoại Ngọc Hầu
Cách khu vực Miếu Bà Chúa xứ – chùa Tây An khoảng 20 m, Lăng Thoại Ngọc Hầu là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi an nghỉ của Tổng trấn Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân.
Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến trúc đặc sắc mang phong cách lăng tẩm triều Nguyễn, mang trong mình vẻ trang nghiêm, thành kính để ghi nhớ công ơn của Nguyễn Văn Thoại, một vị quan triều Nguyễn được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ xứ An Giang.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
5. Chùa Hang
Chùa Hang hay còn được gọi là Phước Điền Tự là ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh An Giang vừa là danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa Hang nằm trên triền núi Sam cách chùa Tây An, miểu Bà Chúa Xứ khoảng 1km.
Chùa Hang gắn liền với sự tích thuần phục rắn của bà Thợ, vì muốn từ bỏ cuộc sống phàm trần có nhiều trái ngang nên đã lập am tu hành tại một hang sâu ở khu vực núi Sam. Nhờ vào công đức tu hành của mình mà bà đã thuần phục được cặp rắn lớn trong hang sâu đó. Mến mộ công đức của bà, người dân nơi đây đã quyên góp xây dựng và mở rộng ngôi chùa lớn hơn, từ đó đặt tên là chùa Phước Điền.
Với lối kiến trúc đặc biệt và màu nâu đỏ làm chủ đạo, những mái ngói của ngôi chùa được xây dựng theo hình mũi thuyền cong vút càng tôn thểm vẻ trang nghiêm, cổ kính của nơi đây. Ghé thăm chùa Hang du khách như được trút bỏ mọi vương vấn bụi trần, hòa mình vào không gian thanh tịnh, yên tĩnh của cõi phật pháp, tu hành.
6. Pháo đài núi Sam
Năm 1896 Chủ tỉnh Châu Đốc Doceuil đã cho xây dựng một ngôi nhà nghỉ mát trên đỉnh núi, tầng trên cùng có hình trôn ốc nên người dân gọi là pháo đài. Pháo đài này cũng là căn cứ quân sự chiến lược trong thời kỳ chiến tranh của ta. Lên đến đỉnh núi, du khách sẽ thấy một bệ đá trầm tích màu xanh đen, hình vuông, được người dân nơi đây tương truyền là nơi đặt tượng Bà Chúa Xứ trước khi được đem về miếu.
Pháo đài núi Sam
Trên đường lên núi có nhiều cảnh đẹp và nhiều danh lam thắng cảnh nối tiếng như Vườn Tao ngộ, chùa Long Sơn, biệt thự của bác sĩ Nu…tha hồ cho các bạn tham quan, thưởng ngoạn.
7. Làng nổi Châu Đốc
Làng nổi Châu Đốc nằm trải dài dọc hai bên bờ sông Hậu. Người dân nơi đây dùng bè neo đậu ở dưới cửa sông để làm nhà, họ dùng các phương tiện như tàu, ghe để di chuyển, mọi hoạt động sinh hoạt, buôn bán đều diễn ra trên sông.
Làng nổi Châu Đốc có lẽ là biểu tượng điển hình nhất cho nét văn hóa rất riêng của vùng Tây Nam Bộ. Có khi cả gia đình hai, ba thế hệ cùng sống trên một chiếc ghe, cuộc sống tuy không đủ đầy nhưng họ vẫn vui vẻ, lạc quan.
Đặc biệt, Khu làng nổi Châu Đốc rất đẹp lung linh huyền ảo về đêm bạn nhé.
8. Núi Cấm
Núi Cấm còn được gọi là Thiên Cấm Sơn, tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên với độ cao 719 mét là vùng sơn địa đặc thù hết sức độc đáo. Được bao phủ bởi rừng cây xanh mát và khí hậu quanh năm mát mẻ nên địa danh này là địa điểm du lịch sinh thái không thể bỏ qua khi đặt chân đến Châu Đốc, An Giang.
Ngọn núi này cũng sở hữu các công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng như tượng Phật Di Lặc khổng lồ lớn nhất Châu Á cao gần 34 mét hay chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn…
Núi Cấm có cáp treo nên từ đây du khách hoàn toàn có thể thu vào tầm mắt cảnh vật của cả vùng núi non hùng vĩ.
9. Làng Chăm
Tuy không thuộc địa phân Châu Đốc nhưng cách nơi này chỉ 10 phút đi phà, Làng Chăm Châu Giang cũng là địa điểm dừng chân không thể bỏ qua. Làng Chăm là nơi sinh sống của người Chăm theo đạo Hồi với nhiều thánh đường Hồi giáo uy nghi cùng nhiều ngôi nhà sàn đã nhiều năm tuổi. Nơi đây vẫn còn lưu giữ những truyền thống văn hóa đặc sắc của người dân tộc Chăm cùng nhiều công trình kiến trúc, làng nghề cũng như nét sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của họ.
10. Chùa Huỳnh Đạo
Tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông 2, phường núi Sam, thành phố Châu Đốc, ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người trung Hoa với hai gian thờ chính và một khuôn viên lớn, bên ngoài thờ các vị thần bốn phương.
Ngôi chùa được nhiều Phật tử và khách thập phương viếng thăm bởi là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc và mang vẻ đẹp thanh thoát, yên bình với những ao sen rộng lớn. Ban đầu, chùa chỉ có ngôi Tam Bảo, sau này xây thêm gác chuông, Quan Âm các và nhiều công trình khác. Trước sân chùa có biểu tượng chín con rồng vô cùng độc đáo.
Chùa Huỳnh Đạo
Vậy là qua bài viết trên bạn đã biết Châu Đốc có gì chơi, có gì vui rồi nhé.
Hãy đến Châu Đốc một lần để cảm nhận được cuộc sống yên bình và sự chân chất thật thà của con người Tây Nam Bộ. Bạn đừng quên thưởng thức món cá basa, bò vò viên, bún nước kèn hay khô mắm là những món ăn đặc sản nơi đây để hiểu thêm về một vùng đất giàu bản sắc.